Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Màu Tím

Hà Nội đẹp thật nhẹ nhàng, đẹp thật đáng yêu, đẹp thật sâu lắng, đẹp thật lãng mạn, đẹp e ấp như thiếu nữ tuổi 18 và một Hà Nội vô cùng ấm áp khi nắng về trên hàng bằng lăng đậm màu tím biếc. Hà Nội cũng thật buồn như ai đó đang đánh lên bản nhạc trong ngày cuối đông lạnh giá…Tôi tự hỏi, ai là người mang hoa bằng lăng về với Hà Nội ? Phải chăng hoa bằng lăng có trên từng góc phố như tô điểm cho Hà Nội ngày một đẹp hơn. Chợt nhớ về những kỷ niệm học trò ngân thơ, tinh nghịch dưới gốc bằng lăng tím ngày nào. Con đường sáng nay lặng lẽ quá, dường như có ai đó đã chở mùa thu qua các con phố nhỏ thân quen. Những cánh hoa bằng lăng vẫn đang e ấp nở, lặng lẽ làm đẹp cho phố phường giữa những vòng xoay của cuộc sống hối hả.
Tôi đứng chân trên phố ngắm nhìn những thiếu nữ nông thôn chân chất giữa kẻ chợ phồn hoa đang xuôi ngược mưu sinh. Ngày xưa con trai, con gái phải lòng nhau thường hái hoa bằng lăng tặng nhau từ đóa hoa bằng lăng trở thành biểu tượng của tình yêu với màu hoa tím thủy chung và son sắc.

Màu tím của hoa bằng lăng khó nói hết thành lời, đó là màu tím của hoa sim mà không phải hoa sim, đó là màu tím của nét mực học trò nhưng cũng không phải là nét mực học trò…Vâng đó là màu tím thủy chung của những người con gái đợi chờ người thương trong những ngày dài xa cách…

Không hiểu sao những buổi đi dọc các con phố nhỏ tôi bỗng thấy thương những cánh hoa bằng lăng tím đến lạ. Bằng lăng ôm trọn lấy gốc, màu tím gay gắt, cam chịu trong nắng, trong mưa…Hoa nở tím cả góc phố, trong sắc hoa có bao nhiêu cung bậc thăng trầm của một đời thiếu nữ, màu tím đoan trinh, tím cả trong sự cam chịu lặng lẽ…Màu tím như tà áo dài bay trong gió…

Vào những ngày có tơ trời, sắc tím bằng lăng âu yếm buồn rơi rơi trên phố. Tôi chợt nghĩ về một chu trình của cuộc sống như cánh hoa bằng lăng lúc nở, lúc tàn mà giật mình ngoảnh lại nhìn những cánh hoa tím buồn rơi bên phố vắng nơi tôi thường đi qua…

Tôi mong hoa đừng vội nở, đừng vội tàn để những cánh hoa không tan đi trong gió.

Hà Nội một ngày lặng lẽ